Đến cố đô mộng mơ, hẳn rằng ai cũng đã từng thử ít nhất 1 lần món bánh bèo Huế. Khác với vị bánh bèo Miền Tây hay bánh bèo Quảng Ngãi, bánh bèo Huế dân dã làm người ăn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Ẩm thực Huế nói chung và bánh bèo Huế nói riêng không chỉ được khách du lịch trong nước yêu thích mà còn là món ăn nổi tiếng với bạn bè quốc tế.
Bánh bèo Huế tuy bình dị, dân dã nhưng lại “đốn tim” hàng triệu du khách khi ghé đến nơi đây. Những chén bánh bèo nóng hổi ăn cùng nước chấm đậm đà, cay cay càng trở nên hấp dẫn lạ thường.

Đi du lịch Huế nhất định bạn phải dành thời gian thưởng thức món bánh bèo Huế. Vị ngọt mềm của bánh bèo hòa quyện với nhân tôm thịt, mỡ hành và nước chấm đậm đà, chắc chắn sẽ khiến bạn ăn một lần sẽ lưu luyến mãi.
1. Bánh bèo Huế - Đặc sản cố đô gây thương nhớ
Bánh bèo Huế là gì? Bánh bèo là một trong những món đặc sản Huế mà bất cứ du khách nào đến đây cũng mong muốn một lần được thưởng thức. Bánh bèo có cái tên đặc biệt như thế là vì hình dạng giống như hình cái lá của cây bèo. Bánh bèo Huế được làm từ bột gạo tạo nên những chiếc bánh hình dáng tròn, nhỏ nhỏ trắng muốt nhưng lại rất bắt mắt.
Bánh bèo Huế có những nét rất riêng so với bánh bèo ở một số vùng khác. Nổi bật như, bánh bèo Hải Phòng trong nhân bánh thường có mộc nhĩ, thịt nạc, hành khô, khi ăn thì rắc thêm tiêu. Hay bánh bèo Nghệ An lại làm bằng bột lọc và gần giống với bánh lọc ở Huế. Bánh bèo ở Quảng Nam thì thường đổ vào những chén dẹt to như bát ăn cơm nên thường dày, ăn nhanh no.

2. Cách làm bánh bèo huế ngon
Pha bột làm bánh
Trộn 2 loại bột lại với nhau, thêm chút xíu muối để vị bánh đậm đà hơn. Từ từ cho nước lạnh vào bột, khuấy đều tay. Tiếp đó cho 375ml nước sôi vào cùng. Khuấy cho bột tan thật đều, hòa quyện không vón cục.

Bột vừa pha ngâm qua đêm (ít nhất là 4 – 6 tiếng) trước khi đổ bánh. Ngâm bột giúp loại bớt mùi bột, vị chua và giúp bánh được dai hơn. Trước khi đổ bánh, bạn gạn phần nước trong trên mặt đổ đi, chỉ giữ lại phần nước gạo bên dưới. Lưu ý, đổ đi bao nhiêu nước trong thì cho thêm bấy nhiêu nước ấm vào nhé. Khuấy nhẹ để bột đều.
Làm tôm chấy
Tôm lột vỏ, bỏ chỉ lưng, rửa thật sạch rồi để ráo nước. Bỏ phần thịt tôm vào máy xay nhuyễn mịn. Sau đó cho lên chảo nóng với chút dầu ăn và tỏi phi thơm, đảo đều tay bằng lửa nhỏ. Nêm thêm ít muối. Xào đến khi thấy phần thịt tôm xay nhuyễn khô lại là được.
Phần vỏ tôm giữ lại để làm nước mắm.

Làm nước mắm bánh bèo Huế
Lấy phần vỏ tôm lúc nãy giã nát, cho vào nồi nhỏ, đổ nước lạnh cho xâm xấp mặt, cho vào 1 củ hành tím xắt lát, nấu sôi. Lọc bỏ vỏ tôm, phần nước còn lại cho thêm ít đường vào. Cho nước mắm vào phần nước vỏ tôm vừa thu được, nêm nếm tùy khẩu vị sao cho nước chấm đừng quá mặn cũng đừng quá ngọt.

Nước chấm tuy không phải món chính nhưng lại quyết định đến sự ngon miệng của bạn khi dùng bánh bèo đấy. Khi ăn bạn xắt vài lát ớt cho vào để nước chấm thêm thơm, không cần vắt chanh đâu nhé.
Làm mỡ hành Hành cắt nhỏ trộn vào 1 muỗng cà phê dầu ăn, cho vào lò vi sóng rồi quay nhanh khoảng 5 giây cho hành chín.

Đổ bánh bèo Huế
Đây là giai đoạn bánh bèo Huế bắt đầu thành hình, hãy chú ý làm thật đều tay để có mẻ bánh bèo Huế thật ngon mắt nhé.
Chuẩn bị một nồi nước, xếp chén vào nồi hấp, khi chén đã nóng lần lượt cho phần bột bánh đã làm lúc đầu vào khoảng 2/3 chén là được. Nhớ khuấy thật đều hỗn hợp, đậy nắp lại hấp khoảng 8 phút thấy bánh bắt đầu có màu trắng đục là bánh đã chín, khi đó ta lấy bánh ra khỏi nồi.

Trình bày bánh bèo Huế
Để món bánh bèo Huế đúng chuẩn, người thưởng thức nên giữ nguyên bánh trong chén. Sau đó cho thêm một ít tôm chấy, mỡ hành, da heo hoặc bánh mì chiên giòn lên mặt. Tiếp tục chan đều phần nước mắm đã chuẩn bị lên. Nước mắm quyện vào mỡ hành và tôm chấy, bánh nóng thơm mùi gạo, tạo nên một hương vị cực hài hòa.

Lưu ý khi làm bánh bèo Huế
Bột bánh bèo để nghỉ trong 2 ngày sẽ giúp thành phẩm dai và ngon hơn, tuy nhiên nếu bạn sử dụng bột gạo làm bánh cần bỏ phần nước trong trên bề mặt. Chú ý khi thay nước thì nhớ đong định lượng vừa phải để cho bột không bị nhão. Sau đó khuấy đều bột và bọc kín bằng màng bọc. Khi hấp bánh, bạn đun lửa lớn để cho nước sôi bùng lên. Chén dùng để đổ bánh phải thật nóng, lửa to và sôi liên tục thì bánh có độ xoáy sâu.


